525 từ quá khứ đến hiện tại
TỪ QUÁ KHỨ ĐẾN HIỆN TẠI
Nhà văn BÙI QUANG THANH
SÔNG SON – CHIẾN TRƯỜNG XƯA CỦA ĐỘI TNXP 25
Tháng 5 vừa rồi, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Ban 67 Anh hùng, chúng tôi được chứng kiến sự hội ngộ thân tình và cảm động của những người một thời là chiến sĩ, là dũng sĩ trên mặt trận giao thông vận tải đã từng “xẻ dọc Trường Sơn”. Cũng trong buổi lễ trang trọng đó, mọi người được nghe nhắc đến nhiều lần những tên quê, tên địa danh, tên trọng điểm: cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích và những: Đội cầu 10, Đội Thanh niên xung phong 25; những Anh hùng Nguyễn Phong Lưu, Đinh Thị Thu Hiệp…
QUÁ KHỨ ANH HÙNG – NGỌN LỬA THIÊNG SÁNG MÃI
Một thời rực lửa chiến chinh, một thời oanh liệt đã qua đi gần nửa thế kỷ bỗng ùa về trong ký ức trong tôi, không chỉ từ những trang sách “40 năm xây dựng và trưởng thành” của Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 5 được in ấn trang trọng và những bản báo cáo, bài phát biểu ở hội nghị mà bằng chính sự gặp gỡ cảm động đến nghẹn ngào của những người đã tạo dựng kỳ tích, chiến công. Trong buỗi lễ trang trọng tôn vinh qua khứ ấy, tôi nghe người ta nhắc nhiều đến công trình Đường 20 Quyết Thắng với những người lính xung kích “Chọc thủng Truờng Sơn, mở đường tháng lợi”
Tôi lần theo dòng lịch sử của con đường huyền thoại như một mũi lao đỏ máu nhích dần về phương nam, tiếp sức cho cuộc kháng chiến trường kỳ, địa bàn mà Ban 67 trấn thủ thực sự là xung yếu. Con đường xuyên Việt duy nhất lúc đó – Quốc lộ 1A – thời kỳ này đã bị không quân và pháo hạm Mỹ băm vằm thành trăm ngàn khúc. Cầu, phà, ngầm, những cái gì đổ được xuống hố bom để thành đường cho xe ra hoả tuyến đã tận dụng đến tối đa. Bom đạn vẫn trút xuống triền miên; tổn thất tăng dần; mọi nẻo đường ra trận chủ yếu dồn qua “cửa tử” miền tây Quảng Bình, vượt Trường Sơn để tìm nẻo về Nam.
Từ thị trấn Ba Đồn, quốc lộ 12A chọc thảng về tây, băng qua Trường Sơn ở đèo Mụ Dạ để sang Lào. Người Pháp làm con đường này từ thế kỷ 19 nên hết sức khiêm tốn về quy mô: đường hẹp, cầu yếu, qua nhiều dốc đèo ở thế độc đạo, ghép lát đơn giản, sơ sài và với chiều dài dành cho xe cơ giới cũng chỉ đến Khe Ve. Một tuyến khác dành cho gùi thồ từ phía nam huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình), qua làng Ho rồi thọc vào sát nách địch ở phía bắc đường 9. Từ những ngày đầu chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ đã phát hiện ra 2 tuyến đường bộ chủ yếu này và chúng đã dùng mọi cáh khống chế, ngăn chặn. Tất cả các cầu, ngầm, đèo dốc đều trở thành trọng điểm. Suốt chặng đường từ Cổng Trời đến Cha Lo, đèo Mụ Dạ, đèo Làng Khàng…cuộc chiến đấu của quân và dân ta với không quân Mỹ càng ngày càng quyết liệt và tiếng hô bất tử “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân vang động rừng núi miền Tây từ những ngày đầu đọ sức cùng giặc Mỹ để giữ lấy con đường huyết mạch này.
Điểm yếu của đường 12A lộ dần dưới con mắt các nhà chiến lược Mỹ: phơi mình giữa những triền núi đá, nhiều lèn vực cheo leo, nhiều dốc cao mà gắt với những quanh co khúc khuỷu, nhiều cua tay áo; mùa khô cây cối trọc trơ, mùa mưa đường lầy suối lũ…một quả bom rơi dù không trúng mặt đường cũng có thể làm núi lở đá lăn. Vì vậy chúng tập trung đánh phá với mật độ dày đặc. Tháng 4/1966 Mỹ đã mang cả “Pháo đài bay” B52 ra ném bom rải thảm hòng huỷ diệt con đường, huỷ diệt sự sống, huỷ diệt ý chí của chúng ta.
Ngày 30/6/1965 Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ra Chỉ thị 110/CP:”Công tác GTVT thời chiến là công tác trung tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng GTVT là nòng cốt. Nhiệm vụ chính trị và chiến lược cao cả của nó là đưa hàng lên phía trước, đảm bảo hoàn thành kế hoạch chi viện cho tiền tuyến lớn trong bất kỳ tình huống nào…”Khẩu hiệu:” Địch phá ta sửa ta đi. Địch lại phá, ta lại sửa ta đi” được ngành GTVT đề ra như một lời hiệu triệu; như là mệnh lệnh.
Để tránh tổn thương xương máu chiến sĩ, phương tiện và hàng hoá; để không những giữ vững mà còn phải phát triển bội phần năng lực vận tải chi viện cho các chiến trường đang ngày một lớn mạnh và mở rộng, nhất thiết phải có thêm những tuyến đường khác cho cơ giới vượt Trường Sơn qua Lào để vào Nam. Một phương án táo bạo và quyết liệt được Bộ tư lệnh đường dây 559 và Bộ GTVT vạch ra: chọc thủng Trường Sơn ngay dãy núi đá vôi ở Phong Nha, qua dốc Ba Thang, qua Lùm Bùm sang Lào để men theo sườn tây Trưòng Sơn vào tiền tuyến.
Bí mật, bất ngờ, khẩn trương và hiệu quả, với sự chỉ đạo sâu sát và kiên quyết của các cấp các ngành, với quyết tâm sắt đá của bộ đội, TNXP và sự phối hợp đồng bộ của địa phương, chỉ 77 ngày chúng ta đã tạo ra một con đường cát ngang dãy Trưòng Sơn với 65 cây số qua những lèn đá, qua bao vực sâu đèo cao, len lỏi dưới những rừng đại ngàn xanh thắm vắt ngang Trường Sơn hùng vĩ. Đường được mang tên của những người con trai con gái tuổi vừa mười tám đôi mươi vì nước quên thân xây dựng và bám trụ giữ đường cho xe ra hoả tuyến: “Đường 20 Quyết Thắng”. Một trong những đơn vị bổ nhác cuốc đầu tiên để mở con đường này là Đội TNXP 25 với biệt danh N25. Cũng chính đơn vị này, sau khi mở đường thắng lợi lại được vinh dự bám trụ đảm bảo giao thông trên những toạ độ lửa mà không quân Mỹ tạo ra để huỷ diệt con đường suốt gần chục năm ròng. Bao máu xương, mồ hôi nước mắt đã đổ xuống, bao mùa xuân, tuổi xuân đã qua đi trên cua chữ A, đèo Phu La Nhích, ngầm Ta Lê; những gương chiến đấu lao động quên mình để có những danh hiệu Anh Hùng Lao động cho tập thể đơn vị, Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho cá nhân. Họ, những người đã sống, chiến đấu và chiến thắng. Họ, một thời và mãi mãi trong sử sách và trong lòng các thế hệ mai sau.
KHÔNG “ĂN MÀY DĨ VÃNG”, KHẲNG ĐỊNH MÌNH BẰNG THÀNH QUẢ HÔM NAY!
Từ chiến tranh đi ra, những chiến sĩ Đội TNXP 25 lại tiếp tục đi xây những con đường, những cây cầu với hành trang là cuôc là xẻng, là mái lán công truờng, và những bộ quần áo công nhân bạc màu mưa nắng. Mấy mươi năm gian khổ của dằng dặc thời kì “quá độ”, họ đã di chuyển khắp nơi trên những nẻo đường miền Trung, đã bao lần thay tên đổi hiệu, công việc lúc có lúc không; có người ngã xuống vì bệnh tật ốm đau, có người trở về quê nhà để vật lộn cùng hậu quả di chứng của chiến tranh, của hoàn cảnh… Vậy nhưng thật đáng mừng, gần nửa thế kỷ đã qua đi, cái tên “cúng cơm” của những người Anh hùng năm xưa không hề mai một mà đang sáng dần lên cùng một thế hệ mới, một thời kỳ mới: thời kỳ Hội nhập và phát triển.
Tôi đã có dịp rong ruổi cùng những cán bộ lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 525 đến một số công trình tiêu biểu của họ đã làm hoặc đang làm trên địa bàn miền Trung, miền Nam. Những chiếc cầu hiện đại, vững chắc và đẹp như một tác phẩm nghệ thuật trên Hàn Giang (Đà Nẵng); trên Kiến Giang (Quảng Bình); trên sông Bung, sông Tranh (đường Hồ Chí Minh)… những chiếc cầu ngoài nghĩa vụ nối đôi bờ của dòng sông, liên kết những con đường hiện đại mang ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại, phát triển mọi mặt của xã hội; còn như một khẳng định:họ – những người lao động sáng tạo trên mặt trận xây dựng giao thông hôm nay – đang nối Quá khứ anh dũng của các thế hệ cha anh với Tương lai phát triển của đất nước.
Tôi đã tới công trường xây dựng Cảng Hòn La, Khu thương mại Hữu Nghị (Quảng Bình), công trường xây dựng đường Nam sông Hậu, đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương… đâu đâu cũng thấy một không khí lao động khẩn trương và phấn khích; đâu đâu cũng gặp những cán bộ, công nhân được trang bị kiến thức, ý thức, phương tiện, thiết bị có thể đảm đương nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao, đặc biệt hầu nhưai trong họ cũng rất biết về qua khứ hào hùng một thời đánh Mỹ của đơn vị. Tôi cũng đã đựoc gặp một số đối tác của 525 – những Chủ đầu tư các công trình, nghe họ nói về “B thi công” này với cả tình cảm, lòng tin và những cái “được”. Qua đó, tôi đọc được sự yên tâm của các nhà quản lý đồng vốn, quản lý công trình khi chọn 525 làm đối tác.
Một lần tôi đi về miền tây Thành phố Đồng Hới để thăm thú vùng chiến khu Ba Rền xưa đã trở lại màu xanh của sự ấm no, đang vươn tới sang giàu. Giữa rừng cao su bạt ngàn đang mùa thu hoạch mủ của Công ty Việt Trung và các vườn cây ăn quả, cây lấy gỗ của các gia đình nông dân làm trang trại, tôi không định được lối về. Anh Nguyễn Thường Phi ở Viện Kiểm soát Quảng Bình chở tôi đi tắt bằng đò qua một con sông khá rộng và đẹp: sông Dinh. Ngồi trên đò, anh Phi chỉ về một cây cầu đồ sộ vắt ngang lưng trời cách bến đò không xa, bảo: “Chỉ ít lâu nữa thôi, chiếc cầu kia sẽ nối liền 2 vùng kinh tế Đồng Hới – Ba Rền. Chỉ mấy trăm mét nướcmà bao năm trời xe cơ giới phải đi vòng đến hăm lăm cây số mới sang được bên kia. Cầu sông Dinh tiếp sức cho Công ty Việt Trung và nông dân vùng Ba Rền xoá đói giảm nghèo, đi vào hội nhập” Chiều đó tôi gặp anh Long, – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, anh Long cho biết: Do nhu cầu lưu thông của nhân dân và đap ứng yêu cầu phát triển kinh tế đặc biệt ở đây, mặt dù đang thiếu vốn nhưng tỉnh vẫn quyết tâm xây dựng cầu sông Dinh có quy cách hiện đại và khẩn trương nhất. Công ty CPXDCT 525 đã chấp nhận bỏ phần lớn vốn để thi công, 20% vốn còn lại Công ty cao su Việt Trung đảm nhận. Nhờ sự hợp sức từ lòng tin và trách nhiệm này, con đường nối Thành phố Đồng Hới với đường Hồ Chí Minh đã có thêm một cây cầu to và đẹp. Anh Long cũng cho biết, Công ty 525 là đơn vị có truyền thống Anh hùng xây dựng và đảm bảo qiao thông ngay trên đât Quảng Bình thời chống Mỹ. Nhiều năm nay đơn vị đã là đối tác quan trọng của Quảng Bình, đã trúng thầu nhiều công trình lứon như cầu Kiến Giang, Cảng Hòn La, Khu Thương mại Hữu Nghị… và đều để lại ấn tượng tốt, đó là năng lực, lòng tin và sự yêu mến của chủ quản công trình và nhân dân địa phương. Mặt dù trụ sở Công ty 525 mãi trong Đà Nẵng nhưng người Quảng Bình vẫn coi đơn vị này nhưu con đẻ của địa phương, cũng vì vậy không có gì lạ khi nhiều công trình trọng điểm của tỉnh lại do CT525 đảm nhận. “Chúng tôi đã đặt niềm tin vào một đơn vị có truyền thống anh hùng, đã từng đổ máu hi sinh trên quê hương chúng tôi, họ đã xứng đáng với lòng tin ấy. Đó là sự hợp tác lành mạnh, thuỷ chung và đầy trách nhiệm”. Giám đốc Long chia tay tôi với một nhận xét như vậy.
Cảng Hòn La, một công trình trọng điểm phát triển kinh tế, đón đầu hội nhập của Quảng Bình, một cụm cảng trong tương lai sẽ lớn nhất miền Trung cũng đang được uỷ thác cho 2 đơn vị thi công: Công ty Trường Thịnh – một doanh nghiệp có năng lực lớn nhất tỉnh và CT 525. Cả 2”B” này đều dám “đặt cược” nhiều chục tỷ đồng vào đay bởi một phần họ thông cảm với khó khăn của tỉnh, phần nữa là lòng tin vào sự thuỷ chung và sự hiểu biết lẫn nhau.Công trình này, Công ty 525 nhận xây dựng 1 cầu chính và 1 cầu đệm, quy mô cầu tàu 1 vạn tấn với tổng dự toán 42 tỷ. Để đáp ứng chất lượng và thời gian (chỉ trong 8 tháng, kể từ tháng 2/2007), Công ty 525 đã phải đầu tư mua sắm các thiết bị hiện đại cho công trường như: trạm trộn bê tông, các loại máy xúc, máy khoan, búa đóng cọc, máy phát điện, xe benz, xe cẩu, máy nén khí, xà lan…Hơn 100 cán bộ công nhân bám trụ tại công trường làm việc 3 ca dưới sự điều hành trực tiếp của một Phó Giám đốc Công ty và một Uỷ viên Hội đồng quản trị là Chỉ huy trưởng.
Cách đây vài tháng, cầu Kiến Giang với mức vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng được cắt băng khánh thành. Con đường về quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thêm một cây cầu mới, to đẹp và uy nghi. Dáng dấp cầu tựa một con rồng khổng lồ có thân hình mềm mại và uyển chuyển như gọi mời du khách tìm về miền quê hiền hoà, trù phú đã sinh ra người dũng tướng huyền thoại mà cực kỳgần gũi thân quen của quân đội ta, của nhân dân ta. “Con Rồng” ấy là sản phẩm của trí tuệ, mồ hôi và tấm lòng yêu kính thiết tha của nhân dân Quảng Bình, của những người thợ cầu Công ty Cổ phần XDCT 525 và Công ty cổ phần xây dựng đường sắt kính dân Người. Trong buổi khánh thành long trọng ấy, một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã liên tưởng rằng: cách đây 42 năm khi Đội TNXP 25 cùng các đơn vị bạn mở Đường 20 – Quyết Thắng “chọc thủng Trường Sơn” ở mạn Tây Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Đường 20 – Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích , kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và Thanh niên xung phong làm nên”. Thật ý nghĩa biết bao khi chiếc cầu hiện đại và duyên dáng nhất trên quê Đại tướng cũng do hậu duệ của Đội TNXP25 Anh hùng ngày ấy xây dựng. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử.
“Thuyên nan dám xé sóng trùng khơi” là hình ảnh của Công ty 525 trong quá trình bứt phá từ thế bế tắc, trắng tay, vô vọng của một thời quá độ chuyển sang hạch toán kinh doanh và cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Công ty không liều lĩnh đối đầu cùng giông bão theo kiểu duy ý chí mà biết “lựa lạch lách dòng” để đưa sự nghiệp của toàn đơn vị đến bến bờ thành công là tồn tại và không ngừng phát triển, là đời sống, lòng tin của cán bộ công nhân viên ngày một cao, là uy tín Công ty ngày một lan toả, vững bền… Nghĩa là sự nghiệp và truyền thống của các thế hệ ngày trước càng được bồi đắp và khẳng định, nghĩa là phiên hiệu của một Đơn vị Anh hùng không bị mờ nhạc đi mà càng rạng ngời. Từ miền Trung quen thuộc, Công ty 525 đã mạnh dạn hướng về những miền xây dựng mới xa xôi hơn như miền tây bắc Thanh Hoá với công trình 4 cây cầu vượt ở sông Ngang; các cầu chính trên tuyến đường Nam Sông Hậu, trên tuyến đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lưong và mãi tít cực nam Tổ quốc: Rạch Giá, Cà Mau … đều có dấu ấn dựng xây của cán bộ công nhân Công ty 525 với tổng dự án công trình lên đến vài trăm tỷ đồng. Nạn thất nghiệp hoặc kiếm rỏ giọt từng tháng, từng ngày, nay có mai không đã trở thành dĩ vãng. Với các gói thầu đã ký đến thời điểm này, Công ty có thể có một quãng gối đầu công việc đến 3 năm nữa. Cũng nhờ mạnh dạn trong đổi mới đến đa dạng hoá ngành nghề và nhờ có mối quan hệ tốt mà CT525 đã từ một đơn vị chuyên xây dựng cầu, cảng tiến thêm một bước vào lĩnh vực địa ốc. Công trình mang tính thử nghiệm Khu Trung tâm Thương mại và Dân cư Hữu Nghị tại Thành phố Đồng Hới là một mở đầu khả quan. Với diện tích gần 10.000m2 đấu thầu được(có giá trị 50 năm) giữa trung tâm Thành phố, Công ty 525 đã liên doanh liên kết với các đơn vị có năng lực để xây dựng khu nhà cao tầng nhằm kinh doanh buôn bán hàng hoá tổng hợp và tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí. Công trình này đã giải quyết nhiều cho lao động có công ăn việc làm, mở ra một hướng làm ăn mới và tạo được nhiều mối quan hệ cùng có lợi trong xu thế hội nhập và phát triển.
Ở Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 525, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn đi đôi với thấm nhuần quá trình trưởng thành chiến đấu của các bậc tiền bối và thành quả lao động dựng xây hôm nay, bền vững ngày mai. Mọi hoạt động của đơn vị đều quyện chặt vào nhau từ suy nghĩ đến hành động. Lớp trẻ hôm nay được học hành, đào tạo, bồi dưỡng ai cũng biết rõ quá khứ của mình, của nguồn gốc đơn vị mình, của quá trình vận động sinh tồn và tất yếu phải cống hiến vì phận sự và vì lẽ sống. Chính vì vậy mà trong mọi hoạt động từ thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh đến văn hoá xã hội và các hoạt động đoàn thể đều gắn kết với nhau. Từ bồi dưỡng nghiệp vụ, tri thức cho lớp trẻ đến chăm lo ân nghĩa với người già, với gia đình thân nhân các liệt sĩ, thương bệnh binh từng phục vụ trong đơn vị đều được quan tâm đúng mực. Một nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc ở Bố Trạch (Quảng Bình) trong đó có 164 đồng chí, đồng đội của 525 được chăm sóc hương khói trong tình cảm thiên liêng thường trực; một ngôi nhà tình nghĩa bằng những đồng lợi nhuận gom góp xây nên; một vở kịch, điệu múa tái hiện lại thời đạn bom máu nhuộm đỏ bùn đất Trường Sơn, những TNXP tuổi mười tám đôi mươi bám tuyến bám đường cho xe ra trận… Chính nhiệt huyết từ truyền thống cuộn chảy mãi cho đến bây giờ và mai sau mà có một đơn vị TNXP 25 Anh hùng Lao động được phong danh từ 35 năm trước và có một Công ty Cổ phần xây dựng Công trình 525 vững bước đi lên để tự hào đón nhận tấm Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước hôm nay. Họ đã không “ăn mày dĩ vãng”, trái lại họ đang làm sáng thêm truyền thống một thời ”Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
B.Q.T